Hiệu quả của công tác hạch toán kế toán là “chìa khóa” giúp nâng cao khả năng quản lý tài chính tại các cơ sở y tế trong điều kiện tự chủ tài chính. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, các bệnh viện công nói riêng và toàn bộ hệ thống cơ sở y tế của Việt Nam nói chung đang đứng trước nhiều thách thức to lớn. Việc phải cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là với các nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình cung cấp dịch vụ y tế là điều tất yếu đang diễn ra. Trước thực trạng đó, việc áp dụng cơ chế quản lý kế toán – tài chính mới và không ngừng hoàn thiện tổ chức hạch toán kế toán dịch vụ y tế là một yếu tố quan trọng để đảm bảo hiệu quả hoạt động của các đơn vị.
Việc hoàn thiện công tác hạch toán kế toán trong các cơ sở y tế sẽ đảm bảo thông tin kế toán được cập nhật đầy đủ, chính xác và kịp thời, giúp ban lãnh đạo, nhà quản lý đơn vị đưa ra các quyết định phù hợp và kịp thời.
Hạch toán kế toán dịch vụ y tế và những công việc bạn cần nắm rõ
Hạch toán kế toán dịch vụ y tếchịu trách nhiệm tính toán thu – chi trong cơ sở y tế, thực hiện các nghiệp vụ phát sinh, kiểm tra, theo dõi và quản lý các tài sản của đơn vị. Đặc biệt, người làm công tác hạch toán kế toán cần phải giám sát chặt chẽ tình hình nhập và tiêu thụ các thiết bị, dụng cụ y tế, các loại thuốc men… Thêm vào đó là thống kê chi phí rác thải y tế theo từng tháng, quý và năm.
Ngoài ra, người làm hạch toán kế toán dịch vụ y tế còn có nhiệm vụ nắm bắt bảng giá viện phí trong lĩnh vực y tế, chi phí dịch vụ, mức giá khám, chữa bệnh, tính toán được viện phí trả từ bảo hiểm xã hội và tiền mặt hàng tháng. Đồng thời, tổng hợp các loại thuốc men, thiết bị y tế tồn kho, làm báo cáo – quyết toán ngân sách theo quy định của cơ quan nhà nước.
Về cơ bản thì kế toán viên phải nắm chắc các kiến thức chuyên môn cũng như các thông tin quy định của pháp luật nhằm đảm bảo hoàn thành tốt các công việc trên.
Để làm tốt công tác hạch toán kế toán dịch vụ y tế, còn đòi hỏi kỹ năng như sau:
- Thực hiện kê khai và khấu trừ thuế GTGT theo tháng, quý, năm.
- Đối chiếu công nợ, xử lý hồ sơ công nợ của khách hàng và nhà cung cấp.
- Bảo đảm cân đối giá vốn và doanh thu từ các dịch vụ khám, chữa bệnh và bán thuốc…
- Lập hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân và thu nhập doanh nghiệp.
- Tổng hợp số liệu và lập báo cáo tài chính.
Để thực hiện tốt công tác hạch toán kế toán dịch vụ y tế thì không chỉ cần có kiến thức mà còn cần sự cẩn thận, tỉ mỉ cũng như kinh nghiệm để có thể giải quyết linh hoạt các vấn đề phát sinh. Song song với đó còn giúp đơn vị công tác tối ưu chi phí và tăng doanh thu hiệu quả hơn.
Hạch toán kế toán bệnh viện
Tại các bệnh viện thì bộ phận kế toán thường được chia thành 2 loại là: kế toán hành chính sự nghiệp và kế toán doanh nghiệp.
Việc phân loại như trên là dựa vào nơi họ làm việc. Các nhân viên kế toán hành chính sự nghiệp sẽ làm việc trong các bệnh viện công của Nhà nước. Còn các nhân viên kế toán doanh nghiệp sẽ làm việc tại các bệnh viện, phòng khám tư nhân, không thuộc sự quản lý của Nhà nước.
Có sự phân biệt như trên do đặc thù của từng bệnh viện xét theo nguồn vốn đầu tư. Các bệnh viện công thuộc quyền quản lý của Nhà nước nên nhân viên kế toán sẽ cần phải trải qua các kỳ xét duyệt công chức mới có thể được bổ nhiệm làm việc. Còn đối với các bệnh viện, phòng khám tư nhân do vốn đầu tư từ các doanh nghiệp nên không có sự liên quan đến Nhà nước.
Chính vì sự phân biệt này nên hạch toán kế toán dịch vụ y tế ở bệnh viện công và bệnh viện tư cũng sẽ có nhiều sự khác biệt. Đồng thời công tác hạch toán còn khác so với các cơ quan, doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác.
Sự khác nhau trong công tác hạch toán kế toán dịch vụ y tế tại bệnh viện công và bệnh viện tư
Bệnh viện công
- Hạch toán toàn bộ hồ sơ liên quan đến kế toán hành chính sự nghiệp có thu.
- Lập báo cáo, quy chế theo thông tư mới nhất dùng cho kế toán tại bệnh viện.
- Lập bảng thanh toán tiền lương đặc thù cho kế toán bệnh viện.
- Lập giấy rút dự toán kinh phí.
- Lập bảng kê chứng từ thanh toán, tạm ứng.
- Xây dựng dự toán kinh phí và quyết toán kinh phí theo từng khoản chi phát sinh trong kỳ.
- Lập các hồ sơ chứng từ thanh toán và quyết toán các khoản chi phát sinh trong kỳ.
- Theo dõi, quản lý và hạch toán kho dược của bệnh viện; các phòng khám liên kết và đơn vị trực thuộc.
Bệnh viện tư
- Kê khai và khấu trừ thuế giá trị gia tăng theo tháng, quý.
- Khấu trừ, đối chiếu thuế giá trị gia tăng.
- Tập hợp chi phí, lập kỳ tính toán giá thành cho dịch vụ khám, chữa bệnh.
- Cân đối doanh thu, giá vốn các dịch vụ khám, chữa bệnh.
- Cân đối doanh thu, giá vốn của dịch vụ bán thuốc và các dịch vụ khác.
- Đối chiếu công nợ phải thu, phải trả và quản lý hồ sơ công nợ.
- Lập hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Lập báo cáo tài chính.
- Lập hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân.
Hạch toán kế toán phòng khám đa khoa
Phòng khám đa khoa là một trong những đơn vị có các nghiệp vụ hạch toán kế toán dịch vụ y tế phức tạp hơn các loại hình khác. Dưới đây là một vài kinh nghiệm khi làm kế toán tổng hợp ở phòng khám đa khoa.
Các loại hình phòng khám đa khoa
Loại 1: Dịch vụ khám, chữa bệnh có bảo hiểm
Bao gồm các dịch vụ:
- Xét nghiệm máu
- Siêu âm
- X quang
- Nội soi
Loại 2: Dịch vụ khám chữa bệnh không có bảo hiểm
Tương tự dịch vụ khám, chữa bệnh có bảo hiểm, kế toán viên sẽ phân loại dịch vụ không bảo hiểm khi tính giá thành. Ngoài những dịch vụ trên thì còn bao gồm những dịch vụ sau:
- Khám, chữa tai mũi họng
- Phẫu thuật
- Các dịch vụ khác
Cách hạch toán kế toán dịch vụ y tế ở phòng khám đa khoa
– Áp dụng theo thông tư 133
+ Khi xuất thuốc cho các dịch vụ liên quan:
- Nợ TK 154
- Có TK 152
+ Khi xuất chi phí dụng cụ cho các gói dịch vụ phân bổ:
- Nợ TK 154
- Có TK 153
+ Khi phân bổ chi phí cho các gói dịch vụ:
- Nợ TK 154
- Có TK 242
+ Khi khấu hao tài sản cố định cho các gói dịch vụ:
- Nợ TK 154
- Có TK 214
+ Các chi phí khác:
- Nợ TK 154
- Có TK 111
Những khó khăn của công tác hạch toán kế toán dịch vụ y tế
Có thể thấy, hiện nay công tác tổ chức hạch toán kế toán ở các cơ sở y tế đã phần nào đáp ứng được yêu cầu cung cấp thông tin tài chính trung thực và tác động tích cực đến công tác quản lý tài chính của các đơn vị.
Tuy nhiên, bên cạnh những thay đổi tích cực đó, thì công tác hạch toán kế toán dịch vụ y tế còn phải đối mặt với không ít những thách thức to lớn:
Kiểm soát dữ liệu
Hiện nay, hạch toán kế toán đang là một trong những lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin nhanh nhất và sâu rộng nhất vào quy trình làm việc.
Tuy nhiên, chính sự thay đổi này đã tạo ra thách thức lớn trong việc kiểm soát dữ liệu, từ đó đòi hỏi lao động phải có hiểu biết và trình độ công nghệ thông tin cơ bản. Nếu nhân viên không nắm rõ được các quy trình xử lý thông tin trên hệ thống phần mềm thì việc mất kiểm soát dữ liệu là điều rất có nguy cơ xảy ra.
Tuân thủ các chuẩn mực về kế toán và quy định mới của Pháp luật
Trước sự phát triển nhanh chóng của thị trường, các chuẩn mực, quy định về Kế toán cũng có nhiều sự thay đổi. Chính vì thế, người làm kế toán cần đặc biệt lưu ý và thường xuyên cập nhật các thông báo mới nhất để tránh được tình trạng phải nộp phạt, giải trình hay những rắc rối liên quan.
Giảm chi phí, tăng năng suất
Do thời buổi kinh tế khó khăn và sự bùng phát của đại dịch Covid 19, không chỉ các doanh nghiệp mà các bệnh viện công, phòng khám tư cũng đều muốn tối ưu chi phí bằng cách cắt giảm ngân sách, tinh giản nhân sự. Chính sự thay đổi này đã có những ảnh hưởng nhất định đến bộ phận kế toán tại các đơn vị.
Nếu như trước đây, mỗi nhân viên kế toán chỉ phụ trách một nghiệp vụ riêng biệt thì giờ đây họ có thể phải đảm nhận vài nghiệp vụ khác nhau do việc tinh giản nhân sự.
Sử dụng các phần mềm kế toán chuyên nghiệp được coi là giải pháp tối ưu và hiệu quả nhất để giải quyết tất cả những vấn đề trên. Một phần mềm kế toán có thể tự động hóa rất nhiều thao tác thủ công trước đây như nhập liệu, lập báo cáo…Việc tính giá thành và quản lý tồn kho cũng được tự động triển khai từ đó tiết kiệm được thời gian, công sức và hạn chế tối đa các sai sót.
Lời kết
Trên đây là những thông tin và kiến thức cơ bản về hạch toán kế toán dịch vụ y tế.
Với 9 phân hệ phù hợp và khả năng đáp ứng đầy đủ nghiệp vụ tài chính kế toán theo Thông tư 133/2016/TT-BTC và Thông tư 200/2014/TT-BTC, hãy để SimERP trở thành người bạn đồng hành trên con đường chinh phục thành công của bạn!