Khấu trừ thuế GTGT là gì? Chi phí được và không được khấu trừ

Khấu trừ thuế GTGT là gì? Chi phí được và không được khấu trừ

Bên cạnh việc nộp thuế thì khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) cũng là một nghiệp vụ quan trọng. Việc khấu trừ thuế GTGT sẽ giúp hạn chế việc thu thuế trùng lặp. Để khấu trừ thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp cần phải nắm vững nguyên tắc khấu trừ thuế là lấy thuế GTGT đầu ra trừ thuế GTGT đầu vào. Tuy nhiên, không phải tất cả thuế GTGT đầu vào đều được khấu trừ, chỉ có những hoạt động đáp ứng yêu cầu của Luật thuế mới được khấu trừ. Do đó, doanh nghiệp cần phải nắm vững các quy định để thực hiện đúng thủ tục khấu trừ thuế VAT.

Khấu trừ thuế GTGT là gì?

Khấu trừ thuế GTGT là gì

Khấu trừ thuế giá trị gia tăng hay còn gọi là khấu trừ thuế VAT là hoạt động doanh nghiệp xác định số thuế GTGT phải nộp bằng cách lấy thuế GTGT đầu ra trừ đi thuế GTGT đầu vào. Về bản chất, khi nhập hàng hóa, doanh nghiệp sẽ phải trả thuế GTGT đầu vào cho hàng hóa đó và sau đó khi bán sản phẩm ra ngoài thị trường, khách hàng sẽ phải trả thuế GTGT đầu ra. Việc khấu trừ thuế giá trị gia tăng giúp giải quyết việc thu thuế trùng lặp trên một hàng hóa. Ngoài ra, việc khấu trừ thuế phản ánh đúng tính chất của thuế GTGT do nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT là đánh vào người tiêu dùng cuối chứ không phải doanh nghiệp. 

Quy định khấu trừ thuế GTGT

Quy định khấu trừ thuế GTGT

Khấu trừ thuế VAT, cũng như các nghiệp vụ thuế khác, đều phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của Nhà nước. Thuế GTGT mà doanh nghiệp phải nộp sẽ được tính bằng cách lấy thuế GTGT đầu ra trừ đi thuế GTGT đầu vào. Trong đó, thuế GTGT đầu ra được tính bằng tổng thuế GTGT thu được từ hàng hóa mà doanh nghiệp bán ra và được thể hiện trên hóa đơn GTGT. Thuế GTGT đầu vào được tính bằng tổng thuế GTGT được ghi trên hóa đơn nhập hàng hóa. Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng có thể áp dụng cách tính thuế này mà chỉ những doanh nghiệp tính thuế theo phương pháp khấu trừ mới được áp dụng. Ngoài ra, chỉ các hóa đơn đầu vào đáp ứng quy định của Luật thuế GTGT mới được tính khấu trừ thuế giá trị gia tăng. 

Các loại hóa đơn được khấu trừ thuế GTGT

Về bản chất, thuế GTGT là đánh vào người tiêu dùng cuối nên chỉ những hàng hóa/ dịch vụ tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất hàng hóa/ dịch vụ chịu thuế GTGT mới được liệt kê vào danh sách khấu trừ thuế GTGT. Để được khấu trừ thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp cần đảm bảo những yêu cầu sau:

  • Có hóa đơn GTGT hợp pháp
  • Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt từ 20 triệu đồng trở lên

Chi phí không được khấu trừ thuế GTGT

Dựa trên nguyên tắc, những trường hợp không được khấu trừ thuế được quy định như sau:

  • Thuế GTGT đầu vào của dịch vụ/ hàng hóa không trực tiếp tham gia quá trình sản xuất 
  • Hàng hóa/ dịch vụ trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất nhưng không chịu thuế GTGT
  • Nếu doanh nghiệp mua hàng hóa/ dịch vụ phục vụ cho cả hoạt động/ dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT thì doanh nghiệp chỉ được khấu trừ thuế GTGT cho hoạt động chịu thuế trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất. Thuế GTGT của các hoạt động khác sẽ không được liệt kê trong danh sách khấu trừ. 
  • Hóa đơn GTGT không tuân thủ quy định pháp luật hoặc ghi thiếu thông tin cũng sẽ không được tính khi khấu trừ thuế giá trị gia tăng.
  • Hóa đơn giả, có dấu hiệu tẩy xóa 
  • Hóa đơn GTGT không phản ánh trung thực giá trị hàng hóa, dịch vụ

Cách khấu trừ thuế GTGT

Cách khấu trừ thuế GTGT

Để thực hiện khấu trừ thuế online, trước tiên doanh nghiệp đăng nhập vào phần mềm HTKK, sau đó chọn “Thuế Giá trị gia tăng” và cuối cùng là “Tờ khai thuế GTGT khấu trừ (01/GTGT)”. Doanh nghiệp kê khai các chỉ tiêu 23,24,25. Trong đó, chỉ tiêu 23 phản ánh giá trị của hàng hóa, dịch vụ mua vào. Chỉ tiêu 24 phản ánh thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào. Chỉ tiêu 25 phản ánh tổng số thuế GTGT được khấu trừ trong kỳ. 

Cách khấu trừ thuế GTGT hàng nhập khẩu

Thuế GTGT hàng nhập khẩu được xác định như sau:

  • Giá nhập khẩu bằng tổng của giá nhập tại cửa khẩu cộng với thuế nhập khẩu (nếu có), cộng với thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có), cộng với thuế bảo vệ môi trường (nếu có) 
  • Đối với hàng hóa được miễn, giảm thuế nhập khẩu thì giá tính thuế GTGT là giá nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu xác định theo mức thuế phải nộp sau khi đã được miễn, giảm.

Cách khấu trừ thuế GTGT tài sản cố định

Theo quy định, nếu tài sản cố định thuộc các trường hợp đặc biệt sau đây thì sẽ không được khấu trừ thuế VAT

  • Tài sản cố định là tài sản chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh; tài sản cố định, của các tổ chức tín dụng, kinh doanh bảo hiểm, chứng khoán; cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở đào tạo; tàu bay dân dụng, du thuyền không sử dụng cho mục đích kinh doanh. 
  • Tài sản cố định là ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống có trị giá vượt trên 1,6 tỷ đồng (chưa tính thuế). Trong trường hợp này số thuế GTGT đầu vào tương ứng với phần trị giá vượt trên 1,6 tỷ đồng không được khấu trừ.

Ngoài các trường hợp đặc biệt trên, các tài sản cố định phục vụ quy trình sản xuất kinh doanh hàng hóa vẫn sẽ được khấu trừ thuế VAT.

Bút toán khấu trừ thuế GTGT

Bút toán khấu trừ thuế GTGT

Doanh nghiệp cần thực hiện bút toán khấu trừ thuế GTGT cuối kỳ trước khi nộp hồ sơ cho cục thuế. Theo đó, nghiệp vụ bút toán khấu trừ thuế bao gồm 4 bước sau:

  • Tính số thuế GTGT đầu ra cần phải nộp trong kỳ
  • Tính số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ
  • Thực hiện bút toán kết chuyển thuế
  • Kiểm tra việc bút toán kết chuyển thuế

Lời kết 

Khấu trừ thuế GTGT là việc doanh nghiệp xác định thuế GTGT phải nộp thông qua việc lấy thuế GTGT đầu ra trừ đi thuế GTGT đầu vào. Việc khấu trừ thuế nhằm đảm bảo việc thu thuế không bị trùng lặp. Tuy nhiên, không phải tất cả thuế GTGT đầu vào đều được khấu trừ. Chỉ có những hoạt động có chứng từ, hóa đơn hợp pháp cũng như phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa/ dịch vụ chịu thuế GTGT mới được khấu trừ thuế. Doanh nghiệp cần lưu ý thực hiện khấu trừ thuế theo đúng quy định và thực hiện bút toán khấu trừ thuế giá trị gia tăng cuối kỳ trước khi nộp cho cục thuế.