Site icon WoTech – Chuyên gia IT luôn bên bạn

Top #6 chiến lược content giúp organic traffic tăng nhanh chóng mặt

Content hay luôn là bánh răng quan trọng nhất trong cỗ máy sản xuất ra organic traffic (lượng truy cập tự nhiên) cho website. Tuy nhiên, để việc phát triển nội dung đạt hiệu quả cao nhất, người viết cần có những chiến lược xây dựng content tốt. Vậy chiến lược tốt đào ở đâu ra? Chúng tôi e là bạn phải tự mình đào thôi, nhưng được rồi, chúng tôi sẽ mách với bạn một vài tuyệt chiêu vi diệu để tạo ra content “hút” traffic nhé.

Đừng có mà thoát ra vội nha, vì càng về sau tuyệt chiêu sẽ càng đỉnh đó! 

chien-luoc-content-organic-traffic-markdao

Biến content thành “máy hút traffic” với 6 chiến lược sáng tạo đỉnh cao

Theo Neil Patel, một chuyên gia hàng đầu trong xây dựng chiến lược marketing, lợi ích chính khi sáng tạo một nội dung chất lượng là nó sẽ góp phần giúp bạn nâng cao lượng truy cập của người dùng, từ đó kéo theo sự tăng trưởng revenue (doanh thu). Chính vì vậy, việc tìm hiểu và nghiên cứu cho ra một kế hoạch sản xuất nội dung là điều thực sự rất quan trọng. 

6 chiến lược phát triển content được Neil Patel gợi ý dưới đây được đúc kết qua nhiều năm kinh nghiệm làm việc và nghiên cứu của mình. Chúng sẽ giúp bạn có thêm nhiều kiến thức bổ ích và thú vị trong sáng tạo nội dung để có thể tạo ra những bài viết hấp dẫn, thu hút người xem.

#1: “Chế biến” thông tin chuyên sâu sao cho dễ hiểu bằng cách chọn giọng văn phù hợp

Giọng văn, hay còn được gọi là “tone”, được sử dụng trong nội dung là một yếu tố khá quan trọng mà người sản xuất content cần nắm rõ. Thông qua lối dẫn dắt, cách dùng từ, cách diễn đạt mà người viết sử dụng, người đọc sẽ cảm nhận được tính chất của sản phẩm hoặc dịch vụ do bạn cung cấp. Đặc biệt, ở mỗi đối tượng khách hàng, người viết sẽ cần phải có những cách sáng tạo và tiếp cận khác nhau. Tone đặc biệt quan trọng đối với các nội dung chuyên sâu, khó tiếp cận với đại chúng. Ví dụ: Các content về điện, máy tính, y tế, sửa chữa…

Một số tone giọng phổ biến, được sử dụng nhiều nhất trong các bài viết

  • Trang trọng
  • Thân mật
  • Lạc quan
  • Lo lắng
  • Quyết đoán
  • Thân thiện
  • Tò mò
  • Cổ động
  • Kết hợp
  • Bất ngờ

Trên thực tế, những người làm công việc xây dựng chiến lược nội dung đôi khi quá tập trung vào việc phát triển mảng SEO mà lại vô tình bỏ quên những lưu ý về điều chỉnh “tone” khi lên ý tưởng cho bài viết. Một nội dung được nhiều người chú ý đến không bắt buộc phải được viết theo lối “hàn lâm”  với những câu chữ đầy tính học thuật. Điều quan trọng vẫn là nội dung cần truyền tải tốt thông tin đến người đọc, không gây khó hiểu hay nhàm chán. Ví dụ, lối viết trang trọng và giàu thông tin sẽ không thể gây hấp dẫn với các dì, các mẹ ở chợ, song các câu chữ ngắn gọn, bình dân và liên quan trực tiếp đến khuyến mãi sẽ hấp dẫn họ hơn.

Ngoài ra, người viết không chỉ cần chú ý đến cách hành văn trong các bài viết trên website hay blog mà kể cả khi tương tác với người dùng qua các trang mạng xã hội, ví dụ như trả lời câu hỏi hay tư vấn sản phẩm thì cũng nên điều chỉnh giọng văn sao cho tự nhiên mà vẫn chuyên nghiệp. 

#2: Đa dạng hoá nội dung bằng cách sử dụng nguồn tài liệu uy tín bên ngoài

Chắc hẳn trong quá trình sáng tạo nội dung, người viết đôi lúc rơi vào trạng thái không khai triển được ý tưởng nào, hoặc sẽ cảm thấy luồng suy nghĩ của mình đang bị tắc nghẽn, không còn thông suốt và mạch lạc như trước đây. Đây là lúc bạn nên tìm đến các kênh thông tin khác như các blog “hàng xóm”, các bài viết trên mạng xã hội, tham gia một số khóa học online hay xem một vài video thú vị trên Internet. Qua các dữ liệu thu thập được từ những nguồn trên sẽ phần nào khơi gợi được cảm hứng cũng như khai thông những dòng ý tưởng đang rối bời của người viết. 

Các nhà văn nổi tiếng trên thế giới đã dành rất nhiều thời gian để đọc, tìm hiểu và nghiên cứu, kể cả ở những lĩnh vực không phải chuyên môn hay sở thích của họ. Việc thu nhặt những kiến thức mới mẻ này không những mang lại nền tảng hiểu biết dồi dào cho người viết mà còn giúp họ có thể mở mang góc nhìn khi viết, bổ sung thêm kho từ vựng và củng cố cách hành văn.

Để chọn được những nguồn tham khảo đáng tin cậy, cung cấp nhiều giá trị bổ ích thì người viết cần chú ý đến những yếu tố như: 

  • Nguồn gốc của thông tin: Bài viết được đăng và xuất bản bởi ai, đã được kiểm chứng hay chưa?
  • Mức độ phổ biến: Thông tin có được nhiều người truy cập và tin chọn để sử dụng hay không?
  • Thông tin đơn vị thực hiện bài viết: Những nội dung họ đã từng sản xuất bao gồm những gì? Họ có những đánh giá tốt và chưa tốt nào?
  • Chất lượng: Các dữ liệu thu thập được có được cập nhật thường xuyên hay không?

Theo Jon Morrow, tác giả của bài viết  “Stephen King’s 20 tips for becoming a frighteningly good writer”, dựa vào những bài đăng mà bạn có thể viết, hãy chọn ra và xuất bản những bài mà xác suất nhận được sự quan tâm của độc giả ít nhất là 80%. Điều này thực sự rất hữu ích, vì số lượng người thích thú với nội dung của bạn càng cao thì khả năng họ bắt đầu tìm hiểu cũng như lựa chọn sản phẩm được cung cấp bởi thương hiệu bạn đang quảng bá cũng sẽ càng cao.

#3: Trở thành người kể chuyện kỹ thuật số, biến khách hàng trở thành người đồng hành

Làm thế nào để trở thành một người kể chuyện thu hút, khiến người đọc không thể nào thoát ra giữa chừng? Khi xây chiến lược sản xuất nội dung, có phải mục tiêu quan trọng nhất của người viết chính là cố gắng tạo được thiện cảm với người đọc càng nhiều càng tốt hay không? Hãy tưởng tượng bạn đang đọc một bài viết được đăng tải trên một trang web hay blog nào đó, ngoài việc thu thập được những thông tin bổ ích, bạn còn cảm nhận như thể tác giả đang trò chuyện với mình qua những câu chữ được sử dụng trong bài thì bạn sẽ cảm thấy thích thú hơn và dành nhiều tình cảm hơn cho bài viết đó đúng không? 

Một digital storyteller (người kể chuyện kỹ thuật số) giỏi là người luôn phải ghi nhớ những điều sau đây khi xây dựng nội dung:

  • Mình có đang cung cấp thông tin hay hành động giúp khán giả hiểu rõ chủ hay không?
  • Nội dung có mang lại khả năng nhận diện thương hiệu tốt cũng như nhận được sự phản hồi tích cực từ người đọc hay không?
  • Nội dung có truyền cảm hứng cho người đọc hay không?
  • Nội dung có phải là tài nguyên quan trọng, cung cấp các thông tin trung thực cho khách hàng hay không?

Sáng tạo nội dung không chỉ là viết sao cho đủ chữ, chèn thêm tí ảnh đẹp, mà nó còn là làm thế nào để người đọc cảm nhận được sự chân thật và kết nối khi đọc bài, rằng họ đang có một cuộc hội thoại với tác giả thực, chứ không phải một sản phẩm của máy móc. Khi đọc một bài blog hay một mẩu tin giới thiệu về sản phẩm, người đọc ở thời điểm đó có thể chỉ quan tâm đến nội dung mà họ đang có nhu cầu tìm kiếm. Thế nhưng, nếu bạn thể hiện được giá trị của thương hiệu với một lối dẫn dắt khéo léo, thậm chí là chạm đến cảm xúc thì đọc giả lúc này sẽ dần chú ý đến các thông tin chi tiết, dần có lòng tin với dịch vụ bạn đang cung cấp, và cũng có thể chia sẻ sản phẩm/thương hiệu của bạn lên các trang mạng xã hội, hay gợi ý cho gia đình và bạn bè của họ. 

#4: Cải thiện chất lượng của chiến lược qua những góp ý của người đọc

Những bảng báo cáo hay con số thống kê về số lượng người truy cập/chia sẻ nội dung sẽ giúp ích rất nhiều trong việc cập nhật hiệu quả của các nội dung đã đăng tải. Thế nhưng, điều đó vẫn chưa đủ. Để phát triển chiến lược sản xuất content tối ưu, bạn cần phải lắng nghe nhiều hơn những nhận xét, đánh giá và góp ý từ độc giả của mình. 

Thông qua những nhận xét đó, bạn sẽ hiểu hơn về đối tượng khách hàng mà mình đang hướng đến. Mỗi khách hàng có thể sẽ đem đến những ý kiến và góp ý khác nhau bởi lẽ mỗi cá nhân chứa đựng một thế giới nhân sinh quan không hề giống nhau, việc của bạn là làm thế nào để xây dựng những nội dung thu hút được sự quan tâm của họ.

Một số phương pháp có thể sử dụng để thu thập ý kiến đóng góp từ khách hàng:

  • Khảo sát
  • Biểu mẫu phản hồi
  • Gửi email trực tiếp 
  • Nghiên cứu hoạt động người dùng qua công cụ Google Analytics

#5: Ưu tiên bản quyền nội dung – đảm bảo tính xác thực khi xây dựng chiến lược nội dung

Một trong những bước quan trọng khi xây dựng chiến lược sản xuất nội dung chính là phải luôn có sự tìm hiểu cũng như nghiên cứu mọi chi tiết trước khi đăng tải bài viết. Bởi lẽ, một nội dung xuất hiện trên một trang web hay blog có thể nhận được những ý kiến trái chiều từ người đọc và bạn cũng phải chuẩn bị cho những trường hợp này. Độc giả có thể phản biện những gì đề cập trong bài viết, điều mà bạn cần làm là phải có những lập luận dựa trên số liệu và dữ liệu chính xác để có thể cùng tham gia trao đổi cùng với họ.

Đây cũng là một cách để tối ưu hóa nội dung mà bạn sản xuất. Bởi, càng nhiều những người cùng tham gia thảo luận, bài viết sẽ được nhiều lượt xem và chia sẻ hơn. Tuy nhiên, “trận chiến” này cũng có những thách thức đi kèm. Nếu như những phản biện của bạn dựa trên những thông tin có cơ sở, nguồn gốc chính xác và thuyết phục, bạn sẽ chiếm được cảm tình nhiều hơn. Ngược lại, nếu không có sự đầu tư nghiên cứu kỹ và rõ ràng, bạn cũng sẽ đánh mất một lượng lớn độc giả. Vì vậy, bạn cần thực sự cẩn trọng và lưu ý khi đăng tải cũng như phản biện trên các nội dung của mình.

Đừng chỉ đánh giá một mặt khi viết về một vấn đề nào đó, hãy luôn có sự phân tích ở mọi khía cạnh của một chủ đề, đồng thời có thể đưa ra ý kiến và giải thích vì sao bạn chọn phương diện này mà không phải là cái kia.

#6: Ứng dụng visual assets để nâng cao hiệu quả cho visual contents

Visual content marketing là gì? 

Visual content marketing hay còn gọi là nội dung quảng cáo trực quan là sự kết hợp của các yếu tố visual assets, bao gồm các loại nội dung được trình bày dưới dạng của video, meme, GIF hay hình ảnh. 

Những sản phẩm sử dụng visual contentđược thiết kế có thể kể đến như các ấn phẩm quảng cáo giới thiệu sản phẩm, đồ họa trực quan hay những bài thuyết trình từ các slide thiết kế bởi nhiều loại hình visual đa dạng.

Thực tế, não bộ của chúng ta dễ bị thu hút bởi hình ảnh hơn là con chữ, chính vì thế visual content marketing, được hiểu là tiếp thị nội dung bằng thị giác luôn được sử dụng trong các chiến lược sản xuất nội dung. 2 cái tên tiêu biểu trong lĩnh vực visual content là Pinterest hay Instagram – hai mạng xã hội tập trung vào hình ảnh với hàng triệu user trên toàn thế giới. 

Lợi ích của việc đưa những hiệu ứng trực quan vào giới thiệu và sản xuất nội dung sẽ giúp người xem tiếp cận sản phẩm hay dịch vụ tốt hơn. Hình ảnh cũng sẽ tạo ấn tượng mạnh đến người xem hơn là một mẩu nội dung chỉ toàn văn bản.

Tựu trung lại, xây dựng một chiến lược sản xuất nội dung hoàn hảo không phải là công việc dễ dàng, có thể hoàn thành trong khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, không gì là không thể nếu bạn thực sự đầu tư thời gian, tâm huyết và không ngừng trau dồi kiến thức lẫn kỹ năng, cũng như nắm bắt tốt xu thế của thời đại. Chúng tôi hy vọng nhìn thấy những nội dung tuyệt vời mà bạn xuất bản sau này, bắt nguồn từ những gì học được hôm nay!

Exit mobile version